Dịch Covid-19 quay trở lại đang là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp ngành nhựa bởi quy mô nhỏ, trình độ công nghệ hạn chế và sức chống chịu yếu.
Hiện nay ngành nhựa đang phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Với tình hình các nước đang chịu tác động của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động cung cấp và vận chuyển nguồn nguyên liệu khiến các doanh nghiệp ngành nhựa lo lắng, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu. Trước những thách thức và áp lực cạnh tranh, các doanh nghiệp ngành nhựa mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ để duy trì và đẩy mạnh phát triển trong những tháng cuối năm.
Là một trong những ngành công nghiệp khá non trẻ của Việt Nam nhưng ngành nhựa có tốc độ phát triển khá nhanh. Cho đến nay ngành này đã có hơn 4.000 doanh nghiệp, trong đó hơn 99% là doanh nghiệp tư nhân, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam (chiếm tới trên 80% số doanh nghiệp nhựa cả nước) do đây là khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp chế biến là đầu ra của các sản phẩm nhựa bao bì. Đa số các doanh nghiệp ngành nhựa là DNNVV, trong đó có tới hơn 90% làm gia công cho nước ngoài mà chưa xây dựng được thương hiệu riêng của mình.
Hiện nguồn cung ứng nguyên liệu nhựa PP (được dùng sản xuất các mặt hàng nhựa công nghiệp và gia dụng) tại Việt Nam là 850.000 tấn/năm (nếu chạy hết công suất thiết kế) từ ba nhà máy, gồm Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn (150 nghìn tấn/năm), Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn (400 nghìn tấn/năm) và Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (300.000 tấn/năm). Trong khi đó dự kiến năm 2021, các doanh nghiệp sẽ tiêu thụ khoảng 2,045 triệu tấn nguyên liệu PP. Bởi vậy các doanh nghiệp vẫn phải phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Theo đại diện Hiệp hội Nhựa Việt Nam, dịch Covid-19 quay trở lại đang là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp ngành nhựa bởi quy mô nhỏ, trình độ công nghệ hạn chế và sức chống chịu yếu. Trong nhiều năm qua, ngành nhựa luôn ở trong tình trạng nhập siêu, với kim ngạch xuất khẩu thấp hơn nhiều kim ngạch nhập khẩu. Ngành nhựa Việt Nam mới chỉ tự chủ được khoảng 15-35% nguyên liệu tùy chủng loại sản phẩm, còn lại phải nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và khu vực ASEAN…
Trong khi từ đầu năm đến nay giá vật liệu liên tục leo thang. Báo cáo phân tích mới đây của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho thấy, giá PVC đạt mức cao kỷ lục 1.600 USD/tấn hồi giữa tháng 4 (tăng 28% so với đầu năm và 81% so với giá bình quân năm 2020 là 884 USD/tấn). Sau đó, giá hàng hóa này đã giảm xuống còn 1.360 USD/tấn nhưng vẫn tăng 9% so với đầu năm và 54% so giá bình quân năm 2020. Khi giá nguyên liệu tăng cao, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn.
Theo ông Nguyễn Hoàng Ngân - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh, tình hình giá nguyên vật liệu tiếp tục gia tăng trong thời gian vừa qua cùng với việc làn sóng Covid-19 mới xuất hiện vào đầu tháng 5/2021 đã tác động không nhỏ tới hình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong 7 tháng đầu năm, áp lực giá vốn tăng cao là nguyên nhân khiến Nhựa Bình Minh (BMP) sụt giảm tới 73% so với cùng kỳ 2020. Theo đó, riêng quý II/2021 doanh thu thuần đạt 1.452 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ, giá vốn hàng bán tăng cao hơn mức tăng của doanh thu nên lãi gộp chỉ còn 186,7 tỷ đồng, giảm 47% so với quý II/2020. Sau khi trừ các khoản chi phí Nhựa Bình Minh lãi sau thuế gần 42 tỷ đồng, giảm tới 73% so với cùng kỳ 2020. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 10 năm qua của BMP.
Đại diện CTCP Nhựa Hà Nội cũng chia sẻ, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng doanh thu và lợi nhuận của công ty vẫn có mức tăng trưởng do công ty đã thực hiện nhiều giải pháp phù hợp để tối ưu chi phí, tăng cường hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên biến động của thị trường, giá cả nguyên liệu tăng khiến cho kết quả kinh doanh chưa đạt mục tiêu đề ra. Năm 2021, công ty đặt kế hoạch sản xuất kinh doanh 1.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 150 tỷ đồng. Kết quả lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, Nhựa Hà Nội đạt 1.020 tỷ đồng doanh thu, gấp đôi cùng kỳ tuy nhiên lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ chỉ nhích nhẹ lên hơn 20 tỷ đồng, tăng chưa đến 5% so với nửa đầu năm 2020.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã phát triển các dự án hóa dầu lớn nhằm cung cấp nguyên liệu cho ngành nhựa như dự án lọc hóa dầu Bình Sơn, Nghi Sơn, nhựa và hóa chất Phú Mỹ, TPC, Hưng Nghiệp Formosa… Mặc dù vậy, nguyên liệu nhựa nguyên sinh vẫn chỉ đáp ứng được khoảng 18% nhu cầu tiêu thụ trong nước. Theo các chuyên gia, với việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, các doanh nghiệp nhựa Việt Nam có thể giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Bởi vậy, các doanh nghiệp nhựa cần chú trọng tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước để tránh những rủi ro biến động chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó các cơ quan chức năng nên tạo cơ hội, tăng năng lực đầu tư vào các công ty, dự án sản xuất nguyên phụ liệu ngành nhựa.
Nguyễn Minh