Cổ phiếu Tập đoàn Cao su lập đỉnh

NDH | Ngày cập nhật: Thứ Năm, 19 Tháng Mười Một 2020 09:31:00

Cổ phiếu GVR đang lập đỉnh 19.000 đồng/cp (19/11) với giá trị vốn hóa 76.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu lập đỉnh 19.000 đồng/cp

Đầu năm 2018, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR) tiến hành bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với khối lượng 475 triệu cổ phiếu. Đây là phiên đấu giá được kỳ vọng trở thành “bom tấn” nhưng kết quả lại gây thất vọng với lượng đăng ký mua chỉ bằng 1/5 lượng chào bán. 

Sau đấu giá, tập đoàn đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM từ ngày 21/3/2018 với giá chốt phiên là 10.900 đồng/cp. Sau thời gian dài kém thanh khoản, cổ phiếu GVR có giai đoạn tăng mạnh vào giữa năm 2019 lên mức đỉnh 16.600 đồng/cp sau những thông tin về đền bù đất sân bay Long Thành cũng như “sóng” cổ phiếu khu công nghiệp. Thanh khoản cổ phiếu luôn nằm trong top dẫn đầu trên UPCoM.

Đến ngày 17/3, GVR thực hiện chuyển niêm yết sang HoSE với mức giá tham chiếu 11.570 đồng/cp, giảm sâu xuống khoảng 8.000 đồng/cp do những ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sau đó, cổ phiếu bắt đầu vào giai đoạn tăng giá mạnh và hiện đạt đỉnh lịch sử 19.000 đồng/cp (19/11). Giá trị vốn hóa thị trường vào 76.000 tỷ đồng.

gvr-1-4338-1605752552.png

Diễn biến giá cổ phiếu GVR từ khi lên sàn chứng khoán. Đồ thị: VNDirect.

Hưởng lợi ở mảng cao su và gỗ

Theo định hướng dài hạn, Tập đoàn Cao su sẽ tập trung đầu tư vào 5 lĩnh vực ngành nghề chính có lợi thế bao gồm trồng và chăm sóc chế biến mủ cao su; chế biến gỗ cao su; sản phẩm công nghiệp cao su; khu công nghiệp đầu tư trên đất cao su; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo báo cáo quý III, doanh thu thuần ghi nhận mức tăng 15% so với cùng kỳ đạt 6.164 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng trở lại sau 2 quý đầu năm lao dốc vì Covid-19.  Đóng góp lớn nhất vẫn là mảng mủ cao su và chế biến gỗ.  

gvr-5-9850-1605752552.png

Cơ cấu doanh thu và lợi nhuận các mảng kinh doanh của GVR trong quý III. 

Doanh thu từ mủ cao su vẫn là nguồn thu chủ lực chiếm khoảng 65% tổng doanh thu. Tập đoàn hiện quản lý diện tích trên 405.000 ha (trong đó diện tích cao su kinh doanh hơn 218.800ha), chiếm khoảng 30% diện tích cao su cả nước và năng lực chế biến khoảng 350.000 tấn mủ/năm.

Thời gian gần đây, giá cao su thế giới tăng mạnh do lo ngại nguồn cung từ Thái Lan, quốc gia xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới, bị gián đoạn. Trong khi đó Capital Economics cho biết nhu cầu cao su nguyên liệu đang tăng mạnh tại Trung Quốc - nước nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới nhờ ngành ôtô phục hồi. Nhu cầu đối với găng tay y tế dùng 1 lần tăng mạnh sau khi dịch Covid-19 bùng phát.

Với quy mô lớn nhất ngành cao su thiên nhiên, GVR sẽ hưởng lợi không nhỏ từ giá cao su tăng đáng kể. Tập đoàn này đang sở hữu nhiều đơn vị cao su thiên nhiên lớn trong ngành như Cao su Dầu Tiếng, Cao su Đồng Nai, Cao su Phước Hòa, Cao su Đồng Phú….

gvr-2-7938-1605752552.png

Diễn biến giá cao su trên thế giới trong 1 năm gần đây. Nguồn: Tradingeconomics.

Tại mảng gỗ, GVR có 20 nhà máy sản xuất với tổng công suất 1,12 triệu m3 gỗ/năm. Diện tích cây cao su thanh lý hàng năm trên 10.000 ha, doanh thu hiện đóng góp hơn 15%. Một số đơn vị lớn trong ngành như Gỗ MDF VRG Quảng Trị, Gỗ Thuận An, Gỗ Dầu Tiếng, Gỗ MDF VRG Dongwha... 

Tương tự cao su, giá gỗ trên thế giới cũng tăng mạnh 46% trong 1 năm gần đây lên khoảng 600 USD/1000 board feet (đơn vị đo lường cho gỗ cứng xẻ). Thậm chí giá gỗ còn đạt đỉnh lịch sử gần 984 USD/1000 board feet vào ngày 14/9.

gvr-6-1948-1605752553.png

Diễn biến giá gỗ trên thế giới trong 1 năm gần đây. Nguồn: Tradingeconomics.

Hiệu ứng khu công nghiệp, tiền đền bù đất và thoái vốn đơn vị thành viên

Một kỳ vọng lớn khác vào GVR đó là việc phát triển các khu công nghiệp (KCN) nhằm đón đầu dòng vốn dịch chuyển. Theo một báo cáo của công ty chứng khoán MB (MBS), Tập đoàn đang đầu tư và khai thác 16 KCN với tổng diện tích 6.566ha.

gvr-375-5734-1605752553.png

Một số khu công nghiệp đã khai thác thuộc GVR. Nguồn: MBS

Tập đoàn còn dự kiến triển khai quy hoạch lên đến 15.000ha đất KCN trong giai đoạn 2021 – 2025. Tập đoàn đang phối hợp với các địa phương để quy hoạch các KCN, dự kiến trung bình mỗi năm cho thuê từ 600 - 1.000 ha.

Một số khu công nghiệp như Nam Tân Uyên và Rạch Bắp mở rộng dự kiến sẽ có sản phẩm thương mại vào cuối năm. Còn lại các KCN Bắc Đồng Phú, Nam Đồng Phú, Long Thành - Dầu Giây… đang tiến hành các thủ tục.

gvr-4-4168-1605752553.png

Các khu công  nghiệp đang triển khai thêm thuộc GVR. Nguồn: MBS.

Doanh nghiệp cũng đặt kế hoạch giao cho địa phương 1.000 ha đất mỗi năm. Giá đền bù theo giá Nhà nước tối đa chỉ 100-200 triệu đồng/ha, tuy nhiên, lãnh đạo GVR cho biết đã đấu tranh với các địa phương sử dụng đất để phát triển kinh tế với mức giá là 500-600 triệu/ha

Doanh nghiệp còn có nguồn thu lớn từ việc đền bù đất sân bay Long Thành nhờ việc bàn giao hơn 2.100 ha cho Nhà nước, tổng giá trị thu về trên 1.000 tỷ đồng.

Tập đoàn có hơn 120 đơn vị thành viên trong nhiều ngành nghề khác nhau, do đó GVR đang ráo riết tái cấu trúc hệ thống thành viên bao gồm chuyển đổi 20 công ty TNHH sang công ty cổ phần, thoái vốn các công ty ngoài ngành, khắc phục tình trạng sở hữu chéo…

Các đơn vị đã thoái vốn thành công như Khu công nghiệp Hố Nai, Đầu tư Xây dựng Cao su. Một số đơn vị đang tiếp tục thoái vốn là TCT Xây dựng Thủy lợi 4, CTCP Xây dựng và Tư vấn Đầu Tư, Đầu tư Sài Gòn VRG và Phát triển đô thị và KCN Cao su Việt Nam.

Huy Lê