Ngành nhựa có cơ hội “vớ bẫm” từ bất động sản, thực phẩm, phi thực phẩm

BDT | Ngày cập nhật: Thứ Sáu, 26 Tháng Tư 2019 09:19:00

Thị trường Nhựa Việt Nam dự báo đạt tỷ lệ tăng trưởng luỹ kế hàng năm (CAGR) vào khoảng 6,63% trong giai đoạn 2018-2023, công nghệ ép phun chiếm tỉ lệ cao nhất.

Cụ thể, với phân khúc nhựa công nghiệp và nhựa vật liệu xây dựng, Việt Nam là thị trường có sức cầu lớn do sự nóng lên của thị trường bất động sản.

Ngoài ra, phân khúc nhựa bao bì có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trước sự tăng trưởng của ngành thực phẩm, cụ thể là tiêu dùng cà phê hòa tan (tăng 12,2%/năm), bánh mứt kẹo (9%/năm), nước sốt và gia vị (7,7%/năm).

Ngành phi thực phẩm cũng có mức tăng trưởng ấn tượng trong những năm qua và hứa hẹn cơ hội phát triển cho ngành nhựa, chẳng hạn phân khúc giặt tẩy, dung dịch vệ sinh bề mặt, sản phẩm chăm sóc da-tóc-cơ thể, dung dịch vệ sinh bề mặt đều có mức tăng trưởng từ 9-15%.

Hai dòng sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất ngành nhựa là nhựa bao bì (39%) và nhựa gia dụng (29%) nhưng đây cũng là hai ngành có giá trị gia tăng thấp nhất. Nhựa kỹ thuật có giá trị gia tăng cao nhưng lại chỉ chiếm 15% cơ cấu ngành.

Theo Quy hoạch phát triển ngành nhựa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 của Bộ Công thương, ngành nhựa sẽ chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm dần tỷ trọng các nhóm sản phẩm nhựa bao bì và nhựa gia dụng, tăng dần tỷ trọng nhóm nhựa vật liệu xây dựng và nhựa kỹ thuật có tính chất cơ lý đặc biệt chuyên dùng trong thi công công trình và hoạt động công nghiệp.

Số liệu từ Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho thấy, ngành công nghiệp nhựa hiện có giá trị nhập khẩu máy móc trang thiết bị trung bình trong giai đoạn 2014 – 2018 gần 850 triệu USD/năm từ nhiều quốc gia trên thế giới. Con số này tương ứng với tốc độ nhập khẩu tăng trưởng trung bình trên 18%/năm trong 5 năm qua cùng với doanh thu không ngừng tăng trưởng với trị giá trên 15 tỷ USD vào năm 2018.

Trong khi đó, theo tạp chí Mordor Intelligence Research, thị trường Nhựa Việt Nam dự báo đạt tỷ lệ tăng trưởng luỹ kế hàng năm (CAGR) vào khoảng 6,63% trong giai đoạn 2018-2023, công nghệ ép phun chiếm tỉ lệ cao nhất. Công nghệ này được sử dụng để sản xuất các bộ phận nhựa có thành mỏng như thiết bị gia dụng, điện tử gia dụng, bảng điều khiển ô tô…

Có thể thấy rằng thị trường Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng rất lớn khi các thương hiệu hàng đầu như Foxconn, Samsung cùng nhiều tên tuổi nổi tiếng trong ngành ô tô đã đầu công nghệ đóng gói, công nghiệp ô tô, điện tử và các ngành công nghiệp khác dự kiến sẽ dẫn đầu thị trường Việt Nam trong giai đoạn này.

Đó là lý do khiến Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp Nhựa, In ấn và Đóng gói Bao bì Hà Nội 2019 (Hanoi Plas Print Pack 2019), lần thứ 10 đang diễn ra tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế I.C.E Hà Nội từ ngày 24 - 27/4/2019 kỳ vọng sẽ thu hút hơn 8.000 khách mua chuyên nghiệp, tìm kiếm sản phẩm và dịch vụ.

Hanoi Plas Print Pack 2019 với quy mô 400 gian hàng, thu hút 180 đơn vị từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Đài Loan, Hà Lan, Hàn Quốc, Hong Kong, Ấn Độ, Malaysia, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc và Việt Nam.

Trong đó gian hàng quốc gia từ Đài Loan và Hàn Quốc trưng bày những sản phẩm tiên tiến nhất phục vụ cho sản xuất ngành nhựa, đóng gói bao bì, in ấn.

Năm nay số lượng đơn vị tham gia tăng 50% so với năm trước nhờ vào sự tăng trưởng mạnh của thị trường phía Bắc. Điều này dự báo đầy hứa hẹn sự phát triển của ngành công nghiệp phía Bắc nói riêng và sự phát triển của cả ngành công nghiệp Việt Nam nói chung.

Anh Hoa